Động lực khiến Nhật Bản tăng cường kiểm soát xuất khẩu

Động lực khiến Nhật Bản tăng cường kiểm soát xuất khẩu

Nhật Bản đang tăng cường các chính sách kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ các công nghệ nhạy cảm cũng như hạn chế khả năng tiếp cận của các đối thủ cạnh tranh trong bối cảnh cán cân quyền lực thay đổi, cạnh tranh địa chính trị leo thang và những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số mở rộng biên giới an ninh quốc gia.
Nhật Bản – đối tác thương mại “chục tỷ đô” của Việt NamBộ Tài chính Nhật Bản cam kết hành động quyết liệt nếu đồng Yen tiếp tục giảm
Nhật Bản tăng cường bảo vệ các công nghệ nhạy cảm.
Nhật Bản tăng cường bảo vệ các công nghệ nhạy cảm.
Khi các công nghệ tiên tiến ngày càng được phát triển bởi khu vực dân sự thay vì quân sự, mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân và an ninh quốc gia ngày càng sâu sắc. Cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ đã mở rộng, bao gồm cả việc kiểm soát các công nghệ dân sự. Do đó, các nước phương Tây, bao gồm cả Nhật Bản, đang tăng cường chính sách kiểm soát xuất khẩu để duy trì lợi thế công nghệ, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của đối thủ cạnh tranh và đảm bảo các công nghệ nhạy cảm được bảo vệ trong một liên minh đáng tin cậy.

Thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022, Nhật Bản đã nhấn mạnh cam kết này bằng các đề xuất cải tiến khuôn khổ kiểm soát xuất khẩu. Cụ thể, hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản gồm 3 cấp độ, theo 3 lớp gồm kiểm soát xuất khẩu quốc tế, đàm phán với các quốc gia có cùng chí hướng sở hữu công nghệ – bổ sung cho kiểm soát xuất khẩu quy định theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương của Nhật Bản. Cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế nhằm kiểm soát phổ biến vũ khí. Cơ chế này không được thực thi bởi luật pháp quốc tế mà là thỏa thuận giữa các quốc gia, nơi các thành viên đàm phán danh sách kiểm soát các công nghệ nhạy cảm.

Tuy nhiên, một cơ chế là Thỏa thuận Wassenaar (WA) đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thích ứng với những tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Đây là một cơ chế đặc biệt trong số các chế độ kiểm soát xuất khẩu – không chỉ kiểm soát vũ khí thông thường mà còn cả các công nghệ lưỡng dụng dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Khi ngày càng có nhiều công nghệ hiện đại thuộc loại công dụng kép, việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Các rào cản bao gồm quan điểm khác nhau về rủi ro an ninh giữa các quốc gia thành viên, quá trình đạt được sự đồng thuận chậm chạp và sự không nhất quán trong các tiêu chí cấp phép xuất khẩu quốc gia. Theo WA, nếu một quốc gia từ chối xuất khẩu thì quốc gia khác vẫn có thể cho phép. Điều này làm phức tạp thêm những nỗ lực ngăn chặn rò rỉ công nghệ và đảm bảo cạnh tranh công bằng và quy trình dựa trên sự đồng thuận của WA cản trở khả năng kết hợp nhanh chóng các công nghệ mới vào danh sách kiểm soát. Có thể mất nhiều năm để đạt được thỏa thuận về việc bổ sung các hạng mục mới, phản ánh quan điểm đa dạng về ý nghĩa bảo mật của các công nghệ mới nổi.

Do những điểm yếu của các cơ chế hiện tại và tốc độ cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng, Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu linh hoạt hơn. Điều này có thể ngăn chặn sự leo thang xung đột và sự “vô tình” đóng góp vào việc hiện đại hóa quân sự của các đối thủ thông qua các công ty dân sự. Tháng 7/2023, Nhật Bản đã tăng cường kiểm soát 23 mặt hàng, bao gồm cả thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Điều này phù hợp với các biện pháp của Mỹ từ năm 2022 nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Tăng cường kiểm soát xuất khẩu làm tăng gánh nặng cho các công ty. Nếu các quy định không rõ ràng sẽ làm tăng gánh nặng thủ tục và rủi ro khiến các công ty trở nên thận trọng quá mức trong hoạt động do bị cơ quan chức năng giám sát nghiêm ngặt. Do đó, Nhật Bản đặt mục tiêu cân bằng những lo ngại này bằng cách thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng cường các biện pháp kiểm soát tổng hợp.