Chính sách đối với mặt hàng phế liệu của DN chế xuất xuất khẩu
Chính sách đối với mặt hàng phế liệu của DN chế xuất xuất khẩu
Trước vướng mắc của Công ty TNHH Hải quan Shinhan Việt Nam liên quan đến chính sách đối với mặt hàng phế liệu XK của DN chế xuất, Tổng cục Hải quan đã có trả lời và hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến chính sách về phế liệu của hoạt động gia công đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 55 Thông tư 38/2025/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Theo đó, quy định nêu rõ: “Phế liệu là vật liệu loại ra trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa XK không còn giá trị sử dụng ban đầu được thu hồi để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác”. Do đó, Công ty TNHH Hải quan Shinhan Việt Nam cần căn cứ quy định hiện hành và thực tế hoạt động sản xuất để xác định phế liệu trong quá trình gia công.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện Hải quan số sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN B
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội)
Đối với chính sách thuế XK của hàng hóa khi XK trả lại cho bên gia công, điểm c khoản 4 Điều 2 Luật Thuế XK, thuế NK quy định: “Đối tượng chịu thuế XNK không áp dụng đối với các trường hợp sau: Hàng hóa XK từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa NK từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác”.
Ngoài ra tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế XK, thuế NK cũng quy định: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, đảm bảo điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa XNK và phương tiện, hành khách XNC; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ XNK”.
Tại khoản 1 Điều 28a Nghị định 134/2016/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: “Điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với DN chế xuất là khu phi thuế quan phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng ra, cửa ra vào đảm bảo việc đưa hàng ra ra, vào DN chế xuất chỉ qua cổng/ cửa; có hệ thống camera giám sát quan sát được các vị trí tại cổng/ cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với cơ quan Hải quan quản lý DN và được lưu giữ tại DN chế xuất tối thiểu 12 tháng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm ban hành định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan Hải quan và DN về hệ thống camera giám sát để thực hiện quy định. Có phần mềm quản lý hàng hóa NK thuộc đối tượng không chịu thuế của DN chế xuất để báo cáo quyết toán nhập- xuất- tồn về tình hình sử dụng hàng hóa NK theo quy định pháp luật về hải quan”.
Tổng cục Hải quan cho rằng, trường hợp DN A là DN chế xuất đáp ứng điều kiện là khu phi thuế quan theo quy định khi xuất trả hàng hóa cho bên gia công thì thuộc đối tượng không chịu thuế XK.
Đối với chính sách quản lý mặt hàng, theo mô tả của Công ty TNHH Hải quan Shinhan Việt Nam thì mặt hàng “bội bạc” XK là sản phẩm loại ra, phát sinh trong quá trình gia công linh kiện điện tử. Do đó, về chính sách quản lý mặt hàng, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH Hải quan Shinhan Việt Nam nghiên cứu quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định 08/2022/NĐ-CP; Nghị định 69/2018/NĐ-CP; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT và các văn bản hướng dẫn liên quan để đối chiếu với thực tế hàng hóa XK làm cơ sở áp dụng chính sách quản lý mặt hàng tương ứng, thực hiện đúng quy định.
Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị Công ty TNHH Hải quan Shinhan Việt Nam liên hệ với cơ quan Hải quan nơi dự kiến thực hiện thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể.